Khó khăn trong tuyển sinh của các trường nghề

Thứ ba - 07/05/2019 22:20
Các trường cao đẳng, trung cấp và trường nghề trong tỉnh những năm qua được đầu tư xây dựng khang trang, thiết bị dạy và học hiện đại, chất lượng dạy nghề từng bước được nâng cao, các loại hình, hình thức đào tạo đa dạng, góp phần tạo nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nhiều công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các trường vẫn khó trong công tác tuyển sinh.
Học sinh Trường Trung cấp Nghề tỉnh thực hành sửa máy quạt điện.
Học sinh Trường Trung cấp Nghề tỉnh thực hành sửa máy quạt điện.

Các trường cao đẳng, trung cấp nghề của tỉnh năm nào cũng đối mặt với nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay toàn tỉnh có 21 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 1 trường Cao đẳng Sư phạm, 1 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm dạy nghề tư thục, 1 trung tâm dạy nghề công lập, 3 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Những năm gần đây, có nhiều chính sách ưu đãi như học sinh, sinh viên được hỗ trợ tiền khi theo học, một số học viên sau khi ra trường sẽ được giới thiệu việc làm ngay, đào tạo tay nghề cao theo yêu cầu của thị trường... Nhưng cứ đến mùa tuyển sinh, các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng khó khăn trong thu hút học sinh.

Mùa tuyển sinh năm 2018, Trường Trung cấp Nghề tỉnh được giao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo 200 học viên. Tuy nhiên, trường chỉ tuyển được 84 học viên. Hiện nay, nhà trường đào tạo 7 ngành nghề gồm: May thời trang, hàn, điện dân dụng, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, quản trị mạng máy tính.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề tỉnh Dương Anh Dũng, để có đủ số lượng học sinh theo kế hoạch đào tạo, hằng năm, vào tháng Hai, trường đã lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh tới các trường THCS trên địa bàn để tìm hiểu số học sinh có nhu cầu học nghề và mời phụ huynh, học sinh đến trường tham quan. Sau khi có kết quả xét tốt nghiệp, cán bộ của trường đến nhà học sinh không đỗ tốt nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp, gửi thư mời các em vào học tại trường. Nhưng, số lượng học sinh vào học tại trường mỗi năm một giảm. Nhiều nghề phải tạm dừng đào tạo do không tuyển được học sinh. Việc tuyển sinh dạy nghề đã khó khăn, nhiều học sinh sau thời gian ngắn lại bỏ học; năm 2018, trường có 65 học sinh bỏ học.

Tương tự, mùa tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Sư phạm cũng không kém phần “đìu hiu”. Năm 2018, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 200 sinh viên, nhưng mới tuyển sinh được 109 người. Trường xét tuyển theo 2 hình thức dựa vào điểm thi THPT Quốc gia và học bạ của thí sinh. Trong đó, ngành Sư phạm Mầm non, ngành Giáo viên Tiểu học xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia và xét tuyển theo học bạ của thí sinh; học viên học lớp tiếng Trung Quốc xét tuyển học bạ. Ngành Sư phạm Toán, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh phục vụ cho các trường THCS nhưng không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đinh Ngọc Lượng cho biết: Những ngành này số lượng thí sinh đăng ký ít, nếu thí sinh đỗ vào trường cũng không thể mở lớp chỉ với 1 - 2 sinh viên. Sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm, phải dạy hợp đồng hoặc làm nhiều ngành nghề khác trái với chuyên ngành được đào tạo dẫn đến ngành Sư phạm gặp khó khăn trong tuyển sinh. Hiện nay, hoạt động của trường phụ thuộc vào khoản kinh phí cấp trên mỗi sinh viên. Cùng với đó, cơ chế tuyển sinh theo hướng mở cửa của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay khiến thí sinh “khó” trượt đại học, càng làm khan hiếm nguồn tuyển...

 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trường nghề và cao đẳng trong tỉnh gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp; chưa xác định được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp để tạo việc làm; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

Cản trở lớn nhất trong thu hút học viên của các trường đào tạo nghề trên địa bàn chính là tâm lý của các bậc phụ huynh cũng như bản thân học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là muốn học đại học, ít hướng đến học nghề. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học hằng năm đều tăng; điểm tuyển sinh thấp; thời gian tuyển sinh kéo dài; hình thức đào tạo linh hoạt.

 Việc dự báo, thông tin thị trường lao động để định hướng cho học sinh, người lao động hiện nay chưa được chú trọng; công tác hướng dẫn, tạo điều kiện cho trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh xúc tiến các quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, với nhà đầu tư trong lĩnh vực đào tạo nhân lực còn ít và chưa thường xuyên. Thực tế sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, do đó thay vì học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, tại nhiều tỉnh có khu công nghiệp phát triển như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… học sinh có xu hướng vào thẳng các công ty lao động, do đó đã gián tiếp tác động đến tuyển sinh cao đẳng và trung cấp...

Theo Trưởng Phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nông Thị Thanh Huyền, để công tác tuyển sinh tại các trường dạy nghề thuận lợi cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp; làm tốt công tác dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm phù hợp.

Trường nghề cần định hướng, tư vấn và phân luồng học sinh THCS, THPT, hướng nghiệp cho học sinh THPT ở những khối lớp 10 và 11, thay vì thực hiện cho học sinh cuối cấp như hiện nay để góp phần giúp học sinh sớm định hướng được nghề nghiệp tương lai từ đó có lựa chọn học tập phù hợp với khả năng; đồng thời cũng tác động đến nhận thức về chọn nghề, chọn trường cho con em của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, trong nước. Thực hiện sáp nhập một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có, hướng tới giảm bớt cơ sở đầu mối...

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

VIDEO SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
18
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay94
  • Tháng hiện tại83,181
  • Tổng lượt truy cập161,971
Logo
© 2021 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Số 073, tổ 1, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://truongtrungcapnghecaobang.edu.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây